Rằm tháng 7, hay còn gọi là Tết Trung Nguyên, là một ngày lễ quan trọng trong văn hóa Việt Nam. Để lễ cúng được trang trọng và ý nghĩa, việc chuẩn bị mâm cúng đúng cách là rất cần thiết.
Rằm tháng 7 gắn với dịp lễ Vu Lan, là một trong những ngày lễ lớn của Phật giáo và có ý nghĩa sâu sắc trong văn hóa tâm linh của người Việt Nam. Theo truyền thuyết, vào ngày này, Đức Mục Kiền Liên - đệ tử của Đức Phật, đã cứu mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ nhờ vào việc cúng dường, tạo phước đức. Từ đó, lễ Vu Lan trở thành dịp để con cháu tỏ lòng hiếu thảo đối với ông bà, cha mẹ ở kiếp này và cả kiếp trước.
Vào ngày này, các nghi thức như bông hồng cài áo và thả đèn hoa đăng được diễn ra trên nhiều nơi, đặc biệt tại các chùa, nhằm hồi hướng công đức, mong muốn điều tốt đẹp, bình an đến với cha mẹ.
Ngoài việc cúng gia tiên, Rằm tháng 7 còn là thời điểm để mọi người cầu siêu cho những vong linh không nơi nương tựa, gọi là cúng cô hồn. Theo quan niệm dân gian, vào ngày này, cánh cửa âm phủ được mở ra để các linh hồn được trở về dương gian, hưởng lễ vật từ con cháu và người dân. Vì vậy, việc cúng cô hồn vào Rằm tháng 7 cũng mang ý nghĩa xá tội, giúp các linh hồn có thể sớm siêu thoát, không còn bị đày đọa trong cảnh khổ đau.
Để thực hiện lễ cúng Rằm tháng 7 một cách tươm tất và đúng nghi thức, bạn cần chuẩn bị ba mâm cúng chính: mâm cúng Phật, mâm cúng gia tiên, và mâm cúng chúng sinh. Mỗi mâm cúng đều có những đặc điểm và ý nghĩa riêng, cần được chuẩn bị cẩn thận để bày tỏ lòng thành kính và mang lại phước lành cho gia đình.
Nếu gia đình bạn là Phật tử và có ban thờ Phật tại nhà thì không thể bỏ qua nghi lễ này. Mâm cúng Phật thường là mâm cúng chay, đơn giản, tránh sát sinh nhưng vẫn đầy đủ cả món chay, món mặn. Bên cạnh đó, bạn cũng cần chuẩn bị mâm ngũ quả và hoa tươi (hoa sen, hoa huệ, hoa mẫu đơn,...) để cúng Phật.
Khi cúng Phật, gia chủ nên cũng vào buổi sáng.
Mâm cúng gia tiên thường được chuẩn bị theo phong tục “trên chay dưới mặn”, tức là phía trên bày hoa quả, phía dưới bày mâm cỗ mặn. Các món ăn thắp hương sẽ phụ thuộc vào điều kiện và nhu cầu của mỗi gia đình. Thông thường, các gia đình sẽ lựa chọn các món ăn như: gà luộc, canh, miến, nem rán, rau củ quả xào, xôi… Bên cạnh đó là các loại bánh trung thu, ô mai, trái cây, hoa tươi, vàng mã, rượu…
Thời gian cúng gia tiên thường được diễn ra vào buổi trưa, từ 10h00 - 12h00.
Cúng chúng sinh, hay cúng cô hồn, là một phần không thể thiếu trong lễ Rằm tháng 7, nhằm cầu siêu cho các vong linh lang thang, không nơi nương tựa. Mâm cúng cô hồn thường được đặt ngoài sân hoặc trước cửa nhà, và thường bao gồm các món ăn chay hoặc đồ cúng đơn giản.
Những món đồ cần chuẩn bị cho mâm cúng cô hồn: cháo trắng loãng, gạo, muối, bỏng ngô, bánh kẹo, trái cây, nước, nhang, nến. Ngoài ra, nhiều người còn đặt thêm vàng mã như tiền giấy, quần áo giấy để đốt cúng, với mong muốn gửi đến các linh hồn những nhu yếu phẩm họ cần ở thế giới bên kia.
Việc chuẩn bị mâm cúng Rằm tháng 7 cần sự tỉ mỉ, cẩn trọng và lòng thành kính, bởi đây không chỉ là nghi thức mà còn là truyền thống tốt đẹp, phản ánh nét văn hóa đậm đà bản sắc Việt. Hy vọng rằng bài viết này sẽ giúp bạn có thêm kiến thức và sự chuẩn bị chu đáo cho lễ Vu Lan, mang lại bình an cho gia đình.
>> Xem thêm: Bánh trung thu Hồng Lam - Hương vị cho sức khỏe cha mẹ
Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập