Mùa đông về với Hà Nội không chỉ mang theo không khí lạnh rất riêng của miền Bắc mà còn mang theo những món đặc sản ngon “nhức nhối”. Cùng Hồng Lam điểm qua một số đặc sản làm quà ý nghĩa vào mùa đông Hà Nội nào!
Không hổ danh là chốn đô thành từ con người từ nếp sống cho đến ẩm thực đặc sản Hà Nội làm quà luôn có một nét gì đó thanh lịch văn minh nhưng không kém phần sang trọng. Dẫu có giản dị như gói cốm xanh, dẫu có quen thuộc như hộp ô mai hay quả sấu sần sì đến đâu, v.v thì cũng khiến người ta phải háo hức kiếm tìm để thưởng thức cho bằng được.
Ô mai Hà Nội là món quà ăn chơi, món quà quen thuộc quanh năm của người Hà thành. Không phải ngẫu nhiên mà mỗi khi đến chơi nhà hay các dịp lễ Tết quan trọng người Hà Nội lại chọn ô mai để mời khách thưởng thức.
Có thể nói Hà Nội là “cái nôi” của ô mai. Vì ở đây không chỉ có nhiều loại mà còn đa dạng hương vị, hơn nữa gu ẩm thực người Hà Thành chuộng sắc vị điềm đạm, ôn hòa nên ngay cả người khó tính nhất cũng phải thích ô mai. Ô mai sấu giòn giòn chua ngọt, ô mai mơ mềm ngọt, ô mai tắc chua thanh ngọt dịu, v.v từng hộp đều được đóng gói cẩn thận, trọng lượng phù hợp với việc di chuyển đường xa thì có lí do gì chúng ta không chọn mua làm quà.
Cốm Làng Vòng là thương hiệu của người làng Vòng (nay thuộc phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy). Cốm bắt đầu có vào tầm đầu thu, người dân thu hoạch những bông lúa hoe hoe vàng về chế biến. Công thức làng nghề cộng kinh nghiệm từ đôi bàn tay cần mẫn giúp cho cốm có hương vị rất riêng, rất lạ: vừa thơm vừa dẻo vừa mịn. Trước khi đến tay người dùng, cốm được gói gém cẩn thận trong hai lớp lá ráy và lá sen, nâng niu gửi trọn hương vị. Còn khi đến tay người dùng rồi cốm được thưởng thức tinh tế cùng chuối tiêu hay nhâm nhi cùng chén trà xanh. Thế mới nói, món quà thanh cao đúng hương vị Hà Nội chính là cốm.
Đây là loại trà lâu đời nhất trong dòng trà ướp được mệnh danh thiên cổ đệ nhất trà này rất hiếm bởi chỉ có theo mùa và sản lượng rất ít.
Vị trà sen thanh khiết như sương sớm ban mai, ngọt thảo như nhụy hoa sen Bách Diệp Tây Hồ và thanh ngọt như trà xanh Tân Cương nên giới trà mới không ngại khẳng định thưởng thức trà sen chính là đỉnh cao của nghệ thuật thưởng trà. Người ta không thể uống một cách vội vã mà phải chậm rãi khoan thai, từ từ nhấp ngụm, từ từ cảm nhận. Bởi để có hương vị trà thơm ngon, nghệ nhân phải rất kỳ công tinh tế trong khâu ướp trà sen. Hàng trăm hàng ngàn bông sen Bách Diệp hái buổi sáng sớm mới cho ra một mẻ gạo sen chất lượng. Rồi bóc tách gạo sen, sàng gạo, ủ trà xanh với gạo sen tới 7-8 lần mới khiến cho cánh trà non hương sen. Tất cả đều được làm thủ công, tất cả đều phải được làm từ bàn tay nghệ nhân – một người yêu trà, cốt cách thanh tịnh tôn nghiêm. Bởi chỉ có người biết nâng niu giá trị xưa mới lưu giữ trọn vẹn hương sen Bách Diệp thơm mát, ngọt thảo trong từng cánh trà sen Tây Hồ.
Vẫn giữ cốt cách giản dị nhưng thanh lịch tinh tế của người Hà Thành, bánh chè lam của người làng Thạch Xá, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây sẽ là món quà biếu tặng ý nghĩa từ thủ đô.
Bánh chè lam không giống những món chè bưởi, chè bắp hay chè đậu xanh, v.v mà chúng ta đã từng thưởng thức. Bởi ngoài những thành phần nông nghiệp quen thuộc như đường kính, mạch nha, bột nếp cái hoa vàng và lạc rang, gừng tươi; người làng Thạch Xá còn có bí quyết làm cho món ăn này vừa mang vị ngọt của mật chè vừa mang vị dẻo của bánh, đặc biệt có thể cắt thành miếng và thưởng thức khô bất cứ lúc nào. Bởi vậy, mỗi khi khách đến chơi nhà chủ nhà hay bày ra thiết đãi khách và du khách cũng có thể chọn mua làm quà mà không lo bị hư.
Nét riêng của Hà Nội chính là sự quen thuộc, bình dị như chiếc bánh chả vàng ươm, nhỏ xinh trên những con phố cổ. Không biết từ thời điểm nào, cũng không biết từ đâu; chỉ biết rằng từ rất lâu rồi bánh chả đã trở thành món ăn vặt truyền thống của người Hà Nội.
Khi cái lạnh đầu đông ùa về cũng là lúc bánh chả xuất hiện nhiều nhất. Bởi ngoài lớp vỏ vàng rộm mịn màng thì phần nhân thập cẩm béo ngậy bên trong chính là liều thuốc ấm bụng đắc lực. Nó có lạp xưởng thơm, có mứt bí ngọt sần sật, có vị giòn giòn dai dai của mỡ kèm theo vị thơm của lá chanh thái mỏng, mọi thứ hòa quyện vào nhau tạo nên món bánh mặn ngọt lâu đời nhất xứ Hà Thành.
Nguồn: Tổng hợp
Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập