Không chỉ nằm trong danh sách những món ăn đậm chất văn hóa người Việt trong ngày Tết cổ truyền, đặc sản vùng miền như Kẹo lạc Sìu Châu, ô mai, mứt sen,... đều là những thức quà ý nghĩa vào những dịp lễ lớn trong năm gắn liền với tuổi thơ của biết bao thế hệ người Việt.
Kẹo lạc Sìu Châu
Nhắc đến bất kì dịp lễ nào trong năm của người Việt, người ta đều nhớ ngay tới vị ngọt ngào, giòn tan của kẹo lạc Sìu Châu xứ thành Nam, thứ kẹo quyện giữa hạt vừng, hạt lạc và bàn tay khéo léo của con người nơi đây làm cho vị tết thêm đậm đà, tinh khiết.
Kẹo Sìu châu gần giống với kẹo lạc nhưng thơm và ngon hơn. Ngay cái tên kẹo Sìu Châu cũng gây cho nhiều người sự tò mò, thích thú. Theo người dân Nam Định, cái tên kẹo Sìu Châu đã có từ rất lâu đời và gắn liền với một cửa hàng làm kẹo ngon có tiếng. Cửa hàng đó được đặt trước đền Triều Châu ngay bến Ngự sông Vị hoàng (con sông lấp nổi tiếng trong thơ Tú Xương), nên nhân dân quanh vùng quen gọi là kẹo ngon trước cửa đền Triều Châu, rồi gọi đơn giản hơn cho dễ nhớ là kẹo Triều Châu, rồi thành kẹo Sìu Châu hay kẹo Sìu như ngày nay.
Ngày nay, kẹo Sìu Châu được biết đến là thứ kẹo quê dân dã không thể thiếu trong bất kì dịp lễ văn hóa của người Việt nói chung và đất văn xứ Thành Nam nói riêng. Thưởng thức kẹo cùng một chén trà nóng trong không khí se lạnh thì ngon không gì bằng.
Mứt hạt sen
Mâm cỗ ngày lễ nào cũng vậy, đặc biệt là mâm bánh kẹo Tết thời, sẽ chẳng tròn đầy và ý nghĩa nếu thiếu đi đĩa mứt sen. Với người người Hà Nội xưa, mứt hạt sen, tên gọi đầy đủ là mứt sen trần, là thức quà không thể thiếu bên ấm trà đón khách mỗi dịp lễ. Mứt sen thanh nhã được chế biến cũng khá cầu kỳ. Hạt sen được phơi khô rồi đem ninh thật nhừ, sau đó ngào đường cho đủ ngấm hoàn toàn vào viên sen. Mỗi viên mứt sen ngọt sắc, mang màu vàng ươm mới chuẩn vị.
Ô mai
Từ xưa đến nay, ô mai đã đi vào tiềm thức người Việt như một thức quà mang đậm nét văn hóa Hà thành. Ô mai xuất hiện trong cung đình xa hoa lộng lẫy, nằm cạnh chén trà trong những buổi thưởng nguyệt ngâm thơ, ô mai cũng là món quà tuổi thơ trông ngóng trong gánh hàng tần tảo của bà của mẹ mỗi chiều tan chợ. Thời con trẻ có ai chưa từng được thưởng thức thứ quà đặc biệt ấy, ăn một lần sẽ nhớ mãi vị chua cay mặn ngọt thấm đượm trong từng quả, từng lát ô mai. Để làm ra món ô mai này cần đến những quả mơ rừng Bắc Kạn, mận rừng Mộc Châu…những hạt muối trắng mặn mòi biển Đông cùng với vị cay của ớt, vị nồng ấm của gừng nơi đồng bằng, đặc biệt là đôi bàn tay tài hoa, sự cảm nhận tinh tế của những nghệ nhân kết hợp với các thiết bị tiên tiến, công nghệ hiện đại.
Tuy rằng ô mai vốn không có nguồn gốc từ Hà Nội, nhưng cái tên Ô mai Hồng Lam từ lâu đã làm nên “nét nhớ” về thủ đô trong lòng những người con xa xứ.