Slider tin tức 1
Slider tin tức 2

Nguồn gốc và ý nghĩa của ngày Tết Thanh minh

16:08 04/04/2025 Trong Tinh hoa bạn đọc

Tiết Thanh Minh thường diễn ra từ ngày 4/4 hoặc 5/4 đến khoảng ngày 20/4 hoặc 21/4 dương lịch hàng năm. Theo lịch vạn niên, năm 2025, Tết Thanh Minh rơi vào ngày 4/4 dương lịch, tức ngày 7/3 âm lịch và kéo dài khoảng 15 - 16 ngày, từ 4/4 đến 19/4 dương lịch.

Vậy Tết Thanh Minh là gì? Tại sao ngày lễ này lại có ý nghĩa đặc biệt trong văn hóa phương Đông? Hãy cùng Hồng Lam tìm hiểu sâu hơn về phong tục và giá trị truyền thống của ngày này.

1. Tết Thanh Minh là gì?

Tết Thanh Minh, trong tiếng Trung gọi là "Qīngmíng jié" (清明节), là một trong 24 tiết khí theo lịch mặt trời, diễn ra vào đầu tháng 4 dương lịch, sau ngày Lập Xuân khoảng 60 ngày. Theo quan niệm xưa, Thanh Minh có nghĩa là "trời trong sáng", tượng trưng cho thời điểm trời đất giao hòa, cây cỏ đâm chồi, mùa màng sinh sôi nảy nở.

Tại Việt Nam, Tết Thanh Minh không chỉ mang ý nghĩa về tiết khí mà còn gắn liền với phong tục truyền thống "uống nước nhớ nguồn", là dịp để con cháu bày tỏ lòng thành kính đối với tổ tiên.

2. Ý nghĩa của Tết Thanh Minh

Tết Thanh Minh có ý nghĩa sâu sắc trong đời sống tâm linh của người Việt, thể hiện lòng hiếu thảo, sự biết ơn và tinh thần gắn kết gia đình. Đây là dịp để các thế hệ trong gia đình cùng nhau thực hiện nghi lễ tảo mộ, chăm sóc phần mộ tổ tiên, nhắc nhở con cháu về truyền thống đạo hiếu.

Ngoài ra, ngày này còn mang đến cơ hội để mọi người sum vầy, cùng nhau dọn dẹp mộ phần, thắp nén hương tưởng nhớ người đã khuất, thể hiện lòng thành kính và sự tri ân.

3. Phong tục Tết Thanh Minh tại Việt Nam

"Thanh minh trong tiết tháng ba
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh."

(Truyện Kiều - Nguyễn Du)

Trong dịp Tết Thanh Minh, các gia đình thường sắp xếp thời gian đến nghĩa trang để chăm sóc phần mộ tổ tiên. Họ mang theo cuốc, xẻng để đắp lại những ngôi mộ chưa xây, làm đầy các chỗ sụt lún, nhổ cỏ dại, phát quang cây hoang mọc trùm lên mộ, đồng thời ngăn chặn trâu bò, chuột, rắn đào hang làm tổ, tránh ảnh hưởng đến sự yên nghỉ của người đã khuất. Với những ngôi mộ đã xây, con cháu quét dọn sạch sẽ, lau chùi bia mộ để thể hiện lòng thành kính.

Sau khi tảo mộ xong, mọi người bày biện hương hoa, lễ vật, thắp hương tưởng nhớ tổ tiên và đốt vàng mã theo phong tục. Nghĩa trang vào dịp này trở nên nhộn nhịp khi không chỉ người lớn mà cả trẻ nhỏ cũng được đưa đi cùng để nhận biết mộ phần gia tiên, học hỏi về đạo hiếu và các nghi lễ truyền thống. Những người con xa quê dù bận rộn cũng cố gắng thu xếp thời gian trở về, không nhất thiết đúng ngày Tết Thanh Minh mà có thể chọn ngày thuận tiện trong khoảng thời gian của tiết này.

Trong khi đi tảo mộ, mọi người cũng thường qua giúp sửa sang, quét tước cho những nấm mồ vô chủ, hoặc những mộ phần ít người thăm viếng. Khi thắp hương cho mộ phần gia tộc mình, mọi người thường thắp cho mỗi ngôi mộ xung quanh một nén hương.

Không chỉ có tảo mộ, ngày Tết Thanh Minh còn gắn liền với tục đạp thanh, tức là đi dạo, vui chơi ngoài trời để cảm nhận không khí trong lành của mùa xuân. Đây là một nét văn hóa đẹp, giúp mọi người thư giãn, tận hưởng tiết trời ấm áp sau mùa đông lạnh giá.

>>>> Có thể bạn quan tâm: Tháng 4 có những ngày lễ gì?

Tết Thanh Minh không chỉ là dịp để tảo mộ mà còn mang ý nghĩa thiêng liêng về lòng hiếu thảo, sự biết ơn đối với tổ tiên. Đây là truyền thống đẹp trong văn hóa Việt Nam, giúp gắn kết tình cảm gia đình, nhắc nhở con cháu luôn ghi nhớ cội nguồn.

Dù bận rộn đến đâu, mỗi người cũng nên dành chút thời gian cùng gia đình đi tảo mộ, dâng hương và bày biện lễ vật như bánh trái, ô mai,... để bày tỏ lòng thành kính với những người đi trước.


 
Bình luận Facebook
Giao hàng tận nơi
19008122