Nghệ thuật thưởng trà là một trong những nét truyền thống văn hóa lâu đời đáng trân quý của người Việt. Qua tháng năm và qua thăng trầm của lịch sử, đến nay, uống trà vẫn được nhiều người Việt lựa chọn như một cách để tận hưởng những phút giây thư giãn, để lắng đọng và sống chậm lại giữa những hối hả của cuộc sống thường ngày.
Nhắc đến trà, người ta luôn nhớ ngay đến lá trà trứ danh của Thái Nguyên và Hà Giang, Tân Cương… Đất canh tác nơi đây đặc biệt thích hợp cho sự phát triển của loại cây này. Với nền đất “hào phóng” cho đi dưỡng chất được hình thành từ nền phù sa cổ và đá cát, cây trà lớn nhanh như thổi, lại tốt tươi và cho ra vị đượm ngọt ngào nơi cuống họng sau mỗi lần nhấm nháp. Trà là loài cung cấp sản phẩm từ lá và những búp non nên các yếu tố quan trọng không kém để canh tác cây là độ ẩm và nhiệt độ. Khí hậu vừa tới để lá trà được ngậm “no nước” mà cây trà vẫn không gặp tình trạng ngập úng là câu đố mà chỉ những vùng trồng trà nổi tiếng nói trên mới “giải” được. Thêm vào đó, vùng núi cao lại đặc trưng bởi nhiệt độ thấp hơn tương đối so với đồng bằng, giúp đẩy nhanh tốc độ sinh trưởng của cây trà để năng suất đạt cao nhất.
Hiếm có dân trồng trà vùng nào có nhiều kinh nghiệm và “mát tay” như người Hà Giang và người Thái Nguyên. Với họ, trà đã là sản vật gắn liền với quê hương, gắn bó cùng họ cả đời người: từ tuổi thơ đi thăm đồi trà cùng cha cùng mẹ, cho đến khi trưởng thành và là người kế thừa chăm sóc cho loài cây ấy. Bàn tay của họ khi gieo trồng và chăm sóc cây trà có thể ví như bàn tay của những nghệ nhân. Bằng những kinh nghiệm quý giá tích lũy được qua nhiều năm, họ cẩn thận tiến hành chính xác từng bước trong vòng quy trình: tạo mật độ hợp lý, gieo cây, chăm cây, và phòng trừ cỏ dại… Và như vậy, những dải đồi xanh mướt chạy dài ngút ngàn với chất lượng tinh túy trong từng lá trà trở thành niềm tự hào của người Hà Giang và người Thái Nguyên.
Hái trà thế nào để thức uống cuối cùng khi pha ra “khoe trọn” được tinh túy của đất trời cũng không phải điều đơn giản. Mỗi vùng lại có những “bí quyết” riêng trong quy trình này. Người Hà Giang thường hái trà khi còn tinh mơ, lựa đúng lúc sương sớm được búp trà “ngậm trọn”, để bề mặt lá phủ một lớp bạc ánh tuyết lấp lánh. Ấy là lúc trà ôm hết vị ngọt tự nhiên để kết tinh lại trong những lá trà tươi. Trong khi đó, người Thái Nguyên hái sản vật này theo quy tắc “một tôm hai lá”, nghĩa là hái lá cuộn tròn ở trên cùng (“tôm”) và hái lá kế ngay cạnh đó. Mùi vị những lá trà ở từng độ “chin” khác nhau kết hợp lại trở nên phong phú, đậm đà khó phai.
Trà sau khi thu hoạch về được chuẩn bị cho quá trình sao suốt. Người xử lý trà lành nghề sẽ liên tục nong, nia sạch sẽ rồi vò và phơi khô, rồi lặp đi lặp lại chu trình này cho đến khi lá trà khô hết và cong lại. Kế đó, lá trà lại được đưa lên chảo lớn đỏ rực lửa hình chữ U để quay. Cuối cùng là công đoạn quan trọng nhất để đem lại hương vị đặc trưng cho các loại trà: lăn trà lấy hương. Loại chảo đồng đặc biệt chuyên dụng được sử dụng để thực hiện “trọng trách” này nhờ có đặc tính chống chịu cao, lại không bị oxy hóa. Những lá trà cuối cùng sẽ săn chắc, thơm đậm hương của núi rừng và đạt tầm chất lượng hảo hạng – trở thành đặc sản của hai miền Hà Giang, Thái Nguyên.
Nước trà Shan tuyết của Hà Giang hay trà móc câu của Thái Nguyên khi pha ra đều óng ánh màu vàng tinh khiết, thơm đậm mùi vị tươi ngon từ những lá trà được nuôi dưỡng bởi sự ưu ái của đất trời và tâm tư của người chăm sóc. Cầm tách trà nóng trên tay và khẽ cảm nhận hương thơm khoan khoái, ta như thấy được trọn vẹn tinh hoa của đất trời hòa quyện trong tâm thức. Nhấp một ngụm trà, vị đắng dễ chịu khẽ lướt qua vị giác, rồi dần để lại hậu vị ngọt cuống họng, ngọt cả tấm lòng người thưởng. Đó là cái tinh hoa trong nghệ thuật thưởng trà: từ tốn, lắng đọng mà cũng mê say, trữ tình.
Trà Hồng Lam chủ yếu được sản xuất từ lá trà của Hà Giang và Thái Nguyên. Cùng với mối giao hảo hữu nghị với người dân trồng trà nơi đây, Hồng Lam không chỉ đem lại những sản phẩm trà chất lượng cao cấp nhất, mà còn muốn góp phần lưu giữ những nét đẹp trong truyền thống canh tác của người dân vùng núi; để từ đó cùng người Việt kéo dài lịch sử của nghệ thuật thưởng trà đáng quý.
Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập