Tết Nguyên Đán vẫn luôn là một dịp lễ trọng đại đối với người Việt từ hàng ngàn năm nay. Phút giây bước sang thềm năm mới được trao cho nhiều ý nghĩa thiêng liêng, bởi vậy, mỗi hành động trong những ngày này đều được tin là sẽ ảnh hưởng đến sự nghiệp cả một năm. Hiểu những phong tục ngày Tết sẽ giúp bạn có một năm mới an khang, may mắn.
Mỗi độ mồng 2 Tết trở đi là người Việt lại chuẩn bị cất công đi xin chữ ông đồ để về treo trong nhà. Tục xin chữ đã có từ rất lâu đời, là một nét đẹp văn hóa khiến nhiều người Việt tự hào vì tượng trưng cho sự hiếu học, trọng lễ nghĩa. Từng con chữ với nét chữ rồng bay phượng múa được coi là đại diện cho ước muốn của mỗi gia đình về một năm mới may mắn, cát tường, con cháu đỗ đạt và thăng tiến đường công danh thuận lợi.
Ngay cả trong Tết hiện đại ngày nay, tục xin chữ vẫn không mất đi mà còn được lưu giữ. Chúng ta vẫn có thể bắt gặp hình ảnh các ông đồ “bày mực Tàu giấy đỏ” tại đền, miếu… để cho chữ. Cả người cho chữ và người xin chữ tất sẽ được tài lộc cho năm mới. Và dù mỗi người đem tâm tư, mong muốn khác nhau sẽ xin một chữ khác nhau, nhưng tất cả đều góp phần làm nên món ăn tinh thần mang đậm dấu ấn văn hóa Á Đông.
Xưa kia, khai bút là tục lệ chỉ thấy ở những nhà nho, các ông đồ, học sĩ. Nghi thức để khai bút cũng rất cầu kỳ: sau lễ cúng giao thừa, trên bàn viết đốt lư trầm rồi người khai bút mới cầm cây bút, bắt đầu viết câu đối hoặc chữ có ý nghĩa nhất được lựa chọn.
Hiện nay, khai bút đã phổ biến hơn với tất cả mọi người. Các nghi thức khai bút cũng đã được tối giản hóa, nhưng sự cẩn trọng trong cách viết những chữ đầu tiên của năm thì vẫn được giữ nguyên. Với người Việt, con chữ đầu năm là khởi đầu cho những giá trị chân-thiện-mỹ, sẽ giúp cho năm mới suôn sẻ và thuận lợi cho công việc, sự nghiệp. Cũng vì lẽ đó mà người ta thường khai bút bằng cách viết ra những tâm tư, nguyện vọng quan trọng nhất của mình.
Xuất hành, hay bắt đầu bước ra khỏi nhà lần đầu tiên là một tục lệ lâu đời khác có sức nặng trong văn hóa Tết của dân tộc. Vào ngày mồng một, khi đi ra ngoài để thăm hỏi họ hàng hay làm bất cứ việc gì thì đều cần xem ngày, giờ, chọn phương hướng tốt. Người xuất hành tin rằng lựa chọn đúng những điều trên thì mới gặp được thần tài, quý nhân.
Bên cạnh đó, việc xác định phương hướng cũng là ngầm chỉ việc mong muốn sự nghiệp sẽ bước theo hướng đi đúng đắn nhất, gạt hái được nhiều may mắn mới.
Không còn xa lạ với người dân Việt, việc hái lộc là hoạt động tâm linh mà rất nhiều người luôn duy trì hàng năm. Sáng mồng một Tết, hoặc sớm hơn nữa là đêm giao thừa, người ta đến hái một cành lộc ở đền, chúa, miếu để xin các thần phật ban nhiều lộc may. Nhánh lộc nhỏ tượng trưng cho sự đâm chồi nảy lộc, cho sức sống tràn trề và hứa hẹn điều thịnh vượng, an khang sẽ tới. Tục hái lộc đặc biệt được các sĩ tử, những người làm ăn buôn bán coi trọng.
Là một hoạt động tâm linh quan trọng khác vào dịp đầu xuân, tục lễ chùa được coi là để trở nên thanh tịnh, gột rửa những điều cũ, sẵn sàng khởi đầu năm mới bằng những điều may mắn hơn.
Theo thông lệ, sau bữa cơm tất niên, những người phụ nữ của gia đình sẽ chuẩn bị lễ và đến ngôi chùa gần nhà nhất mà cầu phúc. Tục lệ này còn được trang trọng hóa hơn khi nhiều người còn thực hiện các chuyến du xuân tới điểm hành hương nổi tiếng để cầu an khang, mong thịnh vượng cho gia đình.
Chúng ta có lẽ đều đã nghe qua câu "Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi" khi nói về tục mua muối đầu năm. Muối trong quan niệm của người xưa thể trừ tà, đuổi ma và tượng trưng cho nghĩa tình bền chặt, gắn bó keo sơn. Bởi thế mà đầu năm luôn có những hàng muối bán rong, hoặc hàng muối trong chùa, đền… để các gia đình mua một bát muối đầy có ngọn. Muối mua dịp Tết gửi gắm lời nguyện cầu về sự hòa hợp giữa các thành viên trong gia đình, tránh những điều kém may mắn.
Người Việt trọng nghĩa, đề cao việc tiếp đón khách nhân tới nhà. Một gia đình xởi lởi, hào phóng đồng nghĩa với việc sẽ nhận được nhiều hảo cảm, giúp đỡ từ những người xung quanh. Mâm quà Tết bên bàn trà là điều cần có để giúp gia chủ tỏ lòng mến khách.
Càng nhiều thức quà được bày biện, chủ nhà càng được “nở mày nở mặt”. Những món mứt, kẹo, ô mai… đầy đủ chua, cay, mặn, ngọt cũng phải xếp sao cho thật khéo để cân bằng các vị và thể hiện tâm ý của người bày.
Những phong tục đón Tết của người Việt thật may mắn khi trải qua hàng trăm năm vẫn vẹn nguyên nét đẹp. Tết Tân Sửu này, cùng gia đình làm theo các phong tục ngày Tết để có một năm mới bình an tốt lành, hoặc đơn giản là để góp phần gìn giữ những giá trị xưa.
Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập