Slider tin tức 1
Slider tin tức 2

NHỮNG THỨC QUÀ LÀM NÊN KHAY MỨT TẾT CỦA NGƯỜI VIỆT

09:24 25/12/2020 Trong Cảm xúc Hồng Lam

Hà Nội bước vào những ngày rét đậm là lúc người dân thủ đô bắt đầu cảm nhận được không khí Tết đang lan dần đến từng ngõ ngách của mảnh đất cố đô. Trong cái bồi hồi giữa tiết trời đông đó, người Tràng An thả nỗi nhớ của mình đến những cành đào đơm bông rực rỡ, đến thịt mỡ với dưa hành, đến phong bao đỏ, đến sự sum vầy… rồi dừng lại ở cái chua, cay, ngọt, bùi trọn vị của khay mứt ngày Tết.


Những thức quà Tết này thường được người Việt đặt trong những chiếc  khay đựng mứt, hạt được bày biện trên bàn tiếp khách, tượng trưng cho sự viên mãn tròn đầy. Mâm cỗ ngọt ngào nho nhỏ gửi gắm trong mình mong ước về sự hòa hợp, niềm hạnh phúc sum họp và là minh chứng cho những hương vị thăng trầm đa vẻ của cuộc sống. Mỗi thức quà Tết lại góp một màu sắc riêng, một ý nghĩa riêng tô điểm cho năm mới; nhưng tựu chung lại, mâm cỗ Tết của người Việt không bao giờ thiếu những món sau:
 

1. Hạt bí, hạt dưa



Vị bùi bùi của hạt bí, hạt dưa trong bàn trà năm mới luôn là thứ “khéo léo” nhất trong việc đẩy đưa câu chuyện, gợi lời hỏi thăm giữa những người bạn, người họ hàng lâu ngày mới có dịp gặp lại. Người ta tin rằng sắc đỏ thắm của vỏ hạt dưa đem lại may mắn và niềm vui cho gia chủ, khi thưởng cùng trà với người thân lại làm mối giao hảo thêm khăng khít và bền chặt. Trên thực tế, những loại hạt này cũng tốt cho sức khỏe vì chứa nhiều vitamin và các loại khoáng chất, rất tốt cho não bộ và xương khớp.
 

2. Mứt

Những món mứt “kết thân” chặt chẽ với ngày Tết đến mức dường như trong tiềm thức của người Việt mình, hai chữ “mứt Tết” luôn luôn đi cùng với nhau. Mứt Tết thường được làm từ những loại củ quả sên với đường, cho ra lớp áo ngọt hấp dẫn vị giác hòa quyện với mùi vị nguyên bản của loại quả được sên. Ngày xưa, bên cạnh bếp lửa cháy đỏ nấu bánh chưng, người Việt luôn có một bên bếp nữa để nấu đường làm mứt.


Mỗi món mứt lại có cho mình một câu chuyện riêng. Đó là mứt sen bùi thanh độc đáo, hứa hẹn một năm vui vầy, gia đình đông con nhiều cháu. Hay là mứt dừa ngọt đậm, để lại hương thơm lựng quấn quýt khứu giác để nhắc người ta về tình gia đình ấm áp, bền chặt. Hoặc là mứt gừng, “gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau”, với vị cay tê nhẹ nhưng ấm nồng tình đoàn viên và tình nghĩa sắc son… Mứt Tết, cứ như thế, luôn ở bên người Việt và làm đầy cái Tết của người Việt mình bằng những lời chúc thầm qua vị ngon truyền thống.
 

3. Ô mai



Ô mai đã đi vào văn hóa của người Hà Nội từ bấy lâu nay, cùng người Hà Nội đi qua những tháng năm của lịch sử, của một đời người. Quyến rũ nhất của ô mai hẳn là cảm giác khi cắn miếng đầu tiên vào một quả mận, hay quả sấu, quả mơ đã được làm khô, ướp đường. Kết cấu dẻo ngon mê hoặc được đẩy đến “cao trào” nhờ sự kết hợp hài hòa của vị ngọt và vị chua, đôi khi điểm thêm chút cay cay hoặc thơm cam thảo. Người Hà Nội không bao thể bỏ lỡ thức quà này trên bàn trà Tết bởi cái thức dung dị ấy như đưa họ về những năm tháng của quá khứ, gợi lại bao câu chuyện xưa mà chỉ dịp Tết mới có thời gian để mà ôn lại, để mà bồi hồi.
 

4. Chè lam



Trong những món bánh kẹo cổ truyền, chè lam có lẽ được lòng những người con xa xứ nhất vì sự đặc biệt của nó. Bên tách trà thơm, chủ nhà cắt miếng chè lam vuông vắn còn được bọc trong lớp bột trắng mỏng, để mở phần nhân màu nâu nhạt bên trong. Hương nồng nhẹ của gừng đi đôi với mật mía khi thưởng cùng trà dễ dàng làm tâm trạng người ta trở nên khoan khoái, thoải mái. 
 

5. Trà

Đã gọi là bàn trà Tết thì thứ chắc chắn không thể thiếu là ấm trà nóng nghi ngút khói để thưởng cùng những thức quà nói trên. Trà là đại diện cho sự hiếu khách. Không có câu chuyện nào mà trà chưa từng được chứng kiến: từ những cuộc trò chuyện thân tình hàng ngày đến lời chia buồn trong lễ ma chay, rồi lời chúc phúc trong từng đám cưới; và đến ngày Tết là lời chúc sức khỏe, thịnh vượng, hay những câu chuyện cũ… Hương trà thơm ngát, đắng nhẹ, nhưng thưởng từ tốn sẽ cảm nhận được vị ngọt hậu tinh tế cũng giống như vẻ ý nhị của người Việt mình vậy.

Tết đến Xuân về không chỉ là dịp để gia đình vui vầy, mà còn là lúc để chúng ta “ôn lại” những ký ức về tuổi thơ, về nét đẹp của văn hóa truyền thống dân tộc, mà hiện thực đấy chính là những món ăn dân dã thảo thơm. Đó cũng là lúc những câu chuyện Tết được “kể” lại bằng những thức quà đặc sản trên khay mứt truyền thống.  


 
Bình luận Facebook
Giao hàng tận nơi
19008122