Slider tin tức 1
Slider tin tức 2

Cách làm mứt gừng thơm ngon đón Tết cực đơn giản

03:05 22/12/2022 Trong Tinh hoa bạn đọc
Trong bộ ba mứt, mứt dừa ngọt ngào, mứt lạc bùi bùi thì mứt gừng lại đặc biệt hơn hẳn bởi vị nồng nồng cay cay đặc biệt. Mứt gừng không cay quá, kết hợp vị ngọt của đường kính, nhấp thêm ngụm trà thơm, cảm giác sẽ nhẹ nhàng hơn. Trong những ngày Tết se lạnh của mùa xuân thưởng thức một lát mứt gừng, nhâm nhi ly trà và hoà mình vào câu chuyện đầu năm chắc chắn sẽ khiến Tết thêm trọn vẹn. 
 

Công dụng của mứt gừng 

Vào ngày Tết, hầu hết gia đình nào cũng sẽ có chút mứt gừng bày trên bàn trà Tết để mọi người cùng thưởng thức. Có lẽ lý do khiến loại mứt này được yêu thích đến vậy không chỉ bởi hương vị thơm ngon. Mà đây còn là loại mứt mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Theo nhiều nghiên cứu, mứt gừng còn rất có lợi cho hệ tiêu hóa bởi tính ấm, giảm được ho. Ăn từ 10 – 15gr mỗi ngày có tác dụng làm ấm người, kích thích tiêu hóa. Mứt gừng có tác dụng giải độc, chống nôn mửa, bụng đầy trướng, đầy hơi, co thắt gây đau, đau bụng do ăn uống không điều độ, dùng phòng bệnh viêm đường hô hấp như viêm họng, ho mất tiếng. Ngoài ra, mứt gừng còn giúp làm giảm đau, viêm, có giá trị trong điều trị viêm khớp, đau đầu, đau bụng kỳ kinh nguyệt,......
 

cach-lam-mut-gung
 

Đồng thời, gừng còn giúp ngăn ngừa tình trạng loét dạ dày do thuốc chống viêm không Steroid như Ibuprofen và Aspirin. Tuy nhiên, dù rất có ích cho sức khỏe nhưng chúng ta cũng không nên sử dụng quá nhiều mứt gừng trong một ngày để tránh gặp phải các phản ứng tiêu cực với sức khỏe.

Cách làm mứt gừng truyền thống

Nguyên liệu chuẩn bị:

Để làm mứt gừng khô dạng miếng thái lát theo kiểu truyền thống, ta cần chuẩn bị những nguyên liệu sau:

  • Gừng tươi: 1kg
  • Chanh tươi: 1 quả
  • Đường trắng: 500g
  • Muối: 1 thìa to

Lưu ý: Khi chọn gừng tươi dùng để làm mứt bạn cần chọn gừng bánh tẻ tức những củ gừng không quá non cũng không quá già. Bởi nếu gừng quá non khi làm mứt không có độ săn và độ đậm đà, còn nếu gừng quá già có quá nhiều xơ, vị cay nồng ăn sẽ mất ngon.
 

Chế biến:

Bước 1: Sơ chế

  • Sau khi mua gừng về, ta cọ và rửa sạch gừng để trôi hết đất bẩn. Sau đó tiếp tục ngâm gừng trong nước khoảng 20 phút để đất ở những khe nhỏ mềm ra sau đó rửa lại cho sạch lớp đất còn bám trên vỉ gừng. Lấy dao nhỏ cạo sạch lớp vỏ bên ngoài của gừng rồi cắt thành từng lát gừng thật mỏng và vừa ăn. 
 
cach-lam-mut-gung
 
  • Pha sẵn một chậu nước với 2 thìa muối đã chuẩn bị. Cắt gừng tới đâu bạn ngâm vào chậu nước muối tới đó. Ngâm tiếp trong vòng khoảng 15 phút rồi vớt ra rổ để cho ráo nước lại.

cach-lam-mut-gung


Bước 2: Luộc phần gừng đã sơ chế

  • Chuẩn bị một chiếc nồi lớn sau đó xếp gừng vào rồi đổ nước ngập mặt gừng. Ta cho nồi lên bếp đun sôi gừng trong khoảng từ 2 – 3 phút.
  • Tiếp theo, ta chắt bỏ phần nước luộc gừng đi rồi đổ nước mới vào luộc thêm 1 lần nữa. Luộc sôi thứ 2 này sẽ giúp gừng ra bớt được vị cay nồng vốn có và thơm ngon hơn. Trong bước này, chúng ta phải nhớ là khi nước của lần thứ 2 sôi lên thì vắt vào nồi 1 quả chanh để gừng có được màu trắng bắt mắt hơn.

cach-lam-mut-gung
 

Bước 3: Ướp đường cho gừng

  • Vớt gừng ra khỏi nồi và dùng nước mát rửa sạch khoảng 2 – 3 lần cho hết vị chua của chanh. Tiếp theo, ta ướp gừng với đường theo tỉ lệ 2 : 1.

  • Trộn đều hỗn hợp lên và để trong vòng từ 2 – 3 tiếng cho đường tan hoàn toàn. Đường phải tan hẳn thì gừng mới thấm đều đường và thơm ngon hơn được.


    cach-lam-mut-gung
     

Bước 4: Sên gừng

  • Dùng một chiếc chảo sâu lòng, bắc lên bếp cho chảo khô và nóng già rồi trút gừng đã được ướp đường vào, để lửa về đun. Lâu lâu bạn dùng đũa đảo đều phần gừng để gừng không bị cháy xém và ngấm đường tốt hơn. Bạn đun tới khi nước đường trong chảo không còn nhiều và hỗn hợp có độ sệt nhật định thì có thể cho lửa nhỏ xuống. Đảo liên tục bằng đũa và cho thêm vani đã chuẩn bị vào để mứt gừng của chúng ta có mùi thơm,
cach-lam-mut-gung
 
  • Lưu ý cho bạn ở bước này là phải để lửa nhỏ  chứ không nên vì thiếu kiên nhẫn mà bật lửa to lên, việc này sẽ ảnh hưởng đến độ thơm ngon của thành phẩm. Khi thấy gừng bắt đầu khô đều và đường trắng kết tinh lại tạo thành lớp áo đường bên ngoài miếng gừng thì bạn đảo nhanh tay thêm vài lần nữa rồi tắt bếp và nhấc chảo xuống, để nguội.

Cách bảo quản mứt gừng

Thường thì mứt gừng là loại mứt có thể dùng được lâu nhất trong các loại mứt Tết nếu chúng ta biết bảo quản đúng cách. Sau khi làm xong, ta để cho mứt gừng nghỉ và nguội hoàn toàn. Cuối cùng ta có thể bảo quản thành phẩm trong hũ thủy tinh có nắp kín, túi zip, hộp nhựa hoặc đựng trong túi nilon được buộc cẩn thận. Ta cũng nên tránh để mứt tiếp xúc trực tiếp với ánh mặt trời hoặc không khí để không bị mốc, hỏng làm ảnh hưởng đến hương vị.


cach-lam-mut-gung

Với những nguyên liệu hêt sức dễ mua cùng cách chế biến cực kỳ đơn giản, tất cả chúng ta đều có thể làm được một mẻ mứt gừng thơm ngon, bổ dưỡng và vô cùng ấm áp để dành tặng cho cả gia đình trong dịp Tết này. Với hướng dẫn làm mứt gừng mà Hồng Lam chia sẻ, hi vọng sẽ giúp bạn có dịp trổ tài và có thêm một lựa chọn cho mùa Tết của gia đình! Ngoài ra bạn có thể học thêm cách làm mứt dừa , vừa đơn giản lại ngon Chúc bạn thành công nhé!

Bình luận Facebook
Giao hàng tận nơi
19008122