Slider tin tức 1
Slider tin tức 2

“Tôi đến với Hồng Lam nhờ một chữ…Duyên”

15:45 19/09/2018 Trong Cảm xúc Hồng Lam

Người lao động chịu thương, chịu khó

Cô Thạch xuất thân là người nông dân ở vùng đất lúa Thái Bình, quanh năm gắn bó với nghề nông,  phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”  nhưng cô vẫn không đủ trang trải cho cuộc sống. Cô được người họ hàng giới thiệu cho công việc tại một nhà máy trên thành phố. Đã bao đêm cô trăn trở giữa việc đi và ở vì giờ cô đã có tuổi, lại chưa bao giờ xa quê hương, lên thành phố làm việc phải thân cô thế cô. Sau này khi nhớ lại, cô chỉ biết lý giải cho sự gắn bó của mình với Hồng Lam là nhờ hai chữ “duyên phận”.

Sau khi được nhận vào làm việc tại nhà máy Hồng Lam, cô được phân công về tổ lò (sau đổi tên thành tổ sấy phơi), ban đầu chưa quen với công việc nên cô gặp không ít khó khăn, nhưng với bản tính của người lao động không ngại khó, ngại khổ, cô vẫn cố gắng hoàn thành tốt công việc được giao. Hơn 11 năm nay, cô gắn bó với các công việc quen thuộc như vớt hàng, sấy khô…Cô chia sẻ thật lòng với chúng tôi, đôi khi làm việc vất vả cô cũng cảm thấy nản lòng nhưng dường như công việc ở nhà máy đã trở thành một thói quen, một phần của cuộc sống, hơn nữa tình cảm của cô dành cho công ty sau nhiều năm làm việc khiến cô không nỡ rời xa.

Cô tự ví công việc của mình như “việc chế biến nhiều món ăn”. Mỗi món ăn đều chứa đựng nhiều tâm huyết và phải vận dụng những bí quyết riêng. Cô chia sẻ, mỗi mùa quả tươi về là mỗi mùa tổ cô làm việc hết công suất để kịp tiến độ. Với mỗi dòng sản phẩm, cô lại có những cách làm khác nhau để phù hợp với từng loại quả, nhất là với dòng sấu bao tử, quả về đến đâu phải làm luôn đến đấy để đảm bảo quả luôn giữ được độ tươi ngon và màu sắc tự nhiên vốn có.

Trò chuyện với tôi về những dự định trong thời gian tới, cô chia sẻ sẽ tiếp tục gắn bó với công việc ở Hồng Lam cho đến khi sức khỏe còn cho phép.

Công ty là nhà, đồng nghiệp là anh em

Khi tôi hỏi chuyện gia đình, ánh mắt cô trở nên trầm buồn. Cô có hai người con cũng trạc tuổi tôi bây giờ, các con đều đang tuổi ăn, tuổi học nên dù vất vả cô vẫn phải bám trụ lấy nghề để lo cho gia đình. Tuy vậy,  nhiều lúc cô không khỏi cảm thấy chạnh lòng vì phải xa con, xa gia đình. Bằng giọng nói thủ thỉ, tâm tình, cô chia sẻ với tôi : “Ở nhà máy cũng có rất nhiều công nhân làm việc xa gia đình nên mọi người đều chia sẻ với nhau mọi vui buồn, khó khăn, công nhân nhà máy đều là những người xuất thân từ lao động, có cuộc sống rất dân dã, rất gần gũi nhau”.

Cô cũng tự nhận xét, mọi người trong công ty đều sống và làm việc với nhau rất chân tình, không có khoảng cách giữa cán bộ, công nhân và ngay cả ban Lãnh đạo. Sự bình đẳng thể hiện trong từng việc làm nhỏ nhất, từ bữa ăn đến chế độ làm việc, sinh hoạt, tất cả đều không hề có sự phân biệt. Bất cứ ai gặp khó khăn, mọi người đều không nề hà giúp đỡ như anh em trong một gia đình.

Cô Thạch cũng chia sẻ chân thật, trong công việc đôi khi không thể tránh khỏi sự bất đồng, khúc mắc nhưng mọi người đều thẳng thắn góp ý để tìm ra cách giải quyết. Cô nói thêm, không phải công ty nào cũng làm được điều này, bởi mọi người phải thực sự coi đồng nghiệp của mình như người thân trong nhà thì dù có phê bình nghiêm khắc cũng không sợ làm mất lòng nhau.

Cuộc trò chuyện của chúng tôi tiếp diễn cho đến khi cô phải trở về tiếp tục công việc của mình để chuẩn bị cho những chuyến hàng phục vụ chiến dịch quả tươi. Nhìn dáng cô vội vã trở về phân xưởng, tôi càng cảm mến hơn người công nhân chịu thương, chịu khó ấy. Nhân duyên đã đưa cô đến với Hồng Lam, để rồi những đóng góp thầm lặng của con người ấy trở thành một phần không thể thiếu trong hành trình sáng tạo, gìn giữ và phát triển những sản phẩm được mệnh danh “Tinh hoa quà Việt”.

“Tôi đến với Hồng Lam nhờ một chữ…Duyên”

Cô Vũ Thị Thạch - Tổ Phơi Sấy Hồng Lam

Bình luận Facebook
Giao hàng tận nơi
19008122