Tuần vừa qua, toàn bộ nhân viên bán hàng của Hồng Lam đã có một chuyến trải nghiệm thực tế tới vùng nguyên liệu tại Bắc Kạn. Dưới đây là chia sẻ đôi dòng cảm xúc của cô nhân viên bán hàng trẻ trung Hà Anh sau chuyến đi đầy ý nghĩa:
“Sinh ra và lớn lên ở vùng núi Tuyên Quang, vì thế cây mơ đối với tôi có lẽ không lạ gì. Ban đầu tôi nghĩ lên đó xem cây mơ Bắc Kạn khác mơ Tuyên Quang như thế nào. Và đây cũng là cơ hội để biết thêm về vùng đất mới. Nhưng trên thực tế là tôi đã “ngộ” ra rất nhiều điều từ chuyến đi thú vị này.
Nhân viên của Hồng Lam trên chuyến xe lên vùng mơ Bắc Kạn
Trên xe mọi người tíu tít hỏi nhau không biết cây mơ trông như thế nào nhỉ? Lúc đó tôi có dịp trổ tài hiểu biết của mình: tôi bảo cây mơ cùng anh em, họ hàng với cây đào, cây mận nên lá và cây cũng tựa như vậy. Chúng chỉ khác nhau quả mơ lúc chín thì màu vàng, hoa mơ cũng giống hoa mận có màu trắng muốt…. Có lẽ trong đầu mọi người lúc đó đang tưởng tượng đến cây mơ và hình ảnh mà mỗi người tưởng tượng ra chắc chắn là rất khác nhau, vì thế trên xe ai cũng háo hức đến rừng mơ thật nhanh.
Thời tiết hôm đó thật không chiều lòng người, Bắc Kạn mưa rất to, mưa cả chiều. Mọi người trong đoàn bắt đầu lo lắng sẽ không được đi ngắm cây mơ, không được hái mơ, chụp ảnh cùng cây mơ. May quá! Chờ đến khoảng 3 giờ chiều thì mưa cũng ngớt hơn, mọi người quyết định lên đường, tiến thẳng tới rừng mơ bất chấp thời tiết sau đó có mưa thêm nữa Vì mục đích lớn nhất của chuyến đi là được “mục sở thị” cây mơ mà!
Bước xuống xe, trước mặt tôi là cả một rừng mơ xanh ngát, quả chín vàng. Thật sự tôi bị choáng ngợp trước khung cảnh đó. Bởi trên Tuyên Quang tôi chưa gặp một rừng mơ nào rộng lớn và đẹp đến vậy. Ở quê tôi, mỗi nhà chỉ trồng một cây, nhà trồng nhiều là ba đến năm cây để làm cây ăn quả theo mùa, chứ không ai trồng nhiều làm gì cả. Tôi cũng không nghĩ thứ quả chua loét này lại trở thành một cây kinh tế của vùng cao này.
Sau một hồi nói chuyện với chủ vườn tôi còn ngộ ra thêm rằng mơ có rất nhiều loại: nào mơ lùn, mơ đá, mơ lông… Mỗi loại mơ lại dùng để chế biến ra một loại ô mai khác nhau. Anh Tấc nói với chúng tôi rằng: “mơ mà Hồng Lam chọn nhiều để làm ô mai là mơ đá, bởi đặc tính thịt quả dày chắc, hạt nhỏ; sau khi chế biến thịt quả dai, không bị nhún bột và mùi rất thơm…” Ra vậy! không phải mơ nào cũng đều giống nhau. Đặc biệt hơn nữa là giống mơ Bắc Kạn được thừa hưởng điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của vùng núi đá nơi đây sẽ tạo ra những trái mơ có hương rất thơm và giá trị dinh dưỡng cao hơn nhiều so với mơ ở vùng khác.
Nhân viên của Hồng Lam tại vườn mơ Bắc Kạn
Ngày hôm đó, chúng tôi đã thật sự hết mình vì “sự nghiệp tìm hiểu mơ”. Sau khi chơi trong rừng mơ, chụp ảnh cùng cây mơ chúng tôi được đến thăm quan trang trại của anh Hiển – một chủ thu mua mơ lớn nhất của vùng. Chúng tôi được nghe anh giới thiệu về quy trình phân loại, vận chuyển mơ về nhà máy Hồng Lam Đặc biệt, chúng tôi còn được tham quan những bể chứa mơ rất lớn của anh và biết thêm về qui trình chế biến, bảo quản mơ bằng muối.
Người dân nơi đây dù cuộc sống vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhưng họ lại rất mến khách và hồn hậu. Đoàn của chúng tôi đi tới đâu là mọi ánh mắt đều hướng theo. Họ chào đón chúng tôi bằng những ánh mắt tò mò nhưng đầy thiện cảm. Tôi nhớ mãi hình ảnh mấy đứa trẻ trên đường đi học về, chúng bắt mẹ cho dừng xe để ngắm các cô gái mặc áo cam, đội mũ cam. Có lẽ, chúng nghĩ đó là mấy cô diễn viên đang quay phim chụp ảnh trong rừng mơ. Chúng tôi ngỏ ý muốn các bé vào chụp ảnh cùng để có những bức ảnh sinh động nhất và cũng để làm kỷ niệm; nhưng không thành, bởi lũ trẻ ở đây họ tò mò về mọi thứ mới lạ nhưng bên trong chúng vẫn còn sự ngại ngùng và những nét bẽn lẽn rất đặc trưng. Lúc ra về cả đoàn vẫn tiếc mãi vì sự sơ suất mà không chuẩn bị một ít bánh trái hoặc một ít ô mai của Hồng Lam trước khi vào đây, để tặng cho các em nhỏ và chủ vườn . Món quà tuy không giá trị nhiều nhưng chắc chắn sẽ là sợi dây kết nối tình cảm rất tốt với người dân nơi đây. Và cũng là một dịp để người dân biết được những trái mơ mình trồng lại được chế biến thành nhiều món ngon, trở thành món quà Việt được nhiều người yêu thích.
Chắc chắn sau chuyến đi này, tôi sẽ thực sự tự tin trước câu hỏi: “Ô mai nhập hàng Trung Quốc à?”. Tôi sẽ giúp những vị khách của tôi tin rằng mỗi sản phẩm họ mua là góp phần làm cho cuộc sống của những người dân trồng mơ, trồng mận được tốt hơn và Hồng Lam sẽ đóng vai trò là cầu nối giữa người trồng mơ và người tiêu dung, đem thứ quả chín mọng đượm hồn Tây Bắc tới tay những khách hàng.
Chuyến đi thăm quan Bắc Cạn đã cho tôi thật nhiều sự trải nghiệm, những kiến thức quý báu bổ trợ cho công việc của tôi. Đặc biệt những chuyến đi như vậy cùng với những sinh hoạt tập thể, là dịp để kết nối tình cảm và càng tăng thêm tinh thần đoàn kết giữa anh em đồng nghiệp trong công ty hơn nữa.
Cảm ơn BLĐ công ty đã tạo điều kiện để chúng cháu có chuyển đi bổ ích như vậy. Hi vọng tương lai công ty sẽ còn có nhiều hoạt động như vậy để nhân viên chúng cháu có thêm những trải nghiệm tuyệt vời để nâng cao hiểu biết về các sản phẩm của công ty như thăm vùng nguyên liệu chè, nguyên liệu mận; tìm hiểu qui trình chế biến chè, ô mai …
Hà Nội, ngày 10 tháng 04 năm 2019"